Kỹ thuật trồng mè đen ĐH-1

Giống Mè đen ĐH-1: thấp cây, vị trí đóng trái thấp,
phân nhánh mạnh, trái lớn, năng suất cao.
 1. Nguồn gốc giống mè đen ĐH-1
Giống mè đen ĐH-1 được Viện KHKTNN miền Nam phục tráng từ giống mè địa phương của tỉnh Long An. Quy trình kỹ thuật canh tác đồng bộ cho cây mè đen trên chân đất lúa ở các tỉnh phía Nam đã được hoàn thiện (2009-2012).
2. Đặc điểm chính
- Dạng hình thấp cây (100-120 cm), phân cành mạnh (4-6 cành/cây), độ cao đóng trái thấp (từ mặt đất đến vị trí có trái đầu tiên từ 30-40 cm), không đổ ngã;
- Thời gian sinh trưởng ngắn (70-75 ngày);
- Nhiều trái (80-150 trái/cây), trái lớn, mỏ trái thẳng, trái có 4 múi - 8 hàng hạt, các trái đóng sít nhau trên đốt thân, cành;
- Năng suất cao, đạt 1.250 kg/ha trên vùng đất xám bạc màu (Long An, An Giang) và từ 1.750 kg - 2.000 kg/ha ở vùng đất thịt, phù sa (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long).
- Hàm lượng dầu  (48,8%) cao hơn so với giống địa phương (45,5%);
- Khả năng chống chịu sâu ăn lá, bệnh thối cây và khả năng chịu hạn cao hơn giống địa phương, thích nghi rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất như cát pha, đất xám bạc màu, đất thịt, phù sa.
Mô hình thâm canh mè đen ĐH-1 tại xã Mỹ Thạnh Đông,
huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đạt 1.500kg/ha
PGĐ.TTKN Long An (trái) và CBKT Viện
3. Quy trình thâm canh mè đen trên chân đất lúa
1) Thời vụ: Vụ Xuân Hè từ tháng 1 – 3, theo cơ cấu lúa Đông Xuân- mè Xuân Hè - lúa Hè Thu; Vụ Đông Xuân: từ tháng 10 – tháng 2 năm sau trên chân đất địa hình cao, theo cơ cấu mè Đông Xuân - lúa Hè Thu.
2) Chuẩn bị đất:
Cách 1- có làm đất: vệ sinh đồng ruộng, xới đất, lên luống rộng 1,2 -1,5 m, rãnh tưới tiêu rộng 30 cm sâu 20 cm, áp dụng trên đất cát, bạc màu, đất xám. Khi gieo, đất phải đủ ẩm, sau gieo cào nhẹ lớp đất mặt phủ lấp hạt mè sâu 1-2 cm.
Cách 2- không làm đất: cắt gốc rạ để 3 cm, làm mương tưới tiêu mạng xương cá, rộng 40 cm, sâu 40 cm, cách nhau từ 6-8 m. Áp dụng trên đất thịt, trồng sau lúa Đông Xuân. Sau gieo phủ ½ lượng rơm rạ có trên ruộng, tưới nước ngập theo rãnh, để từ 4-6 giờ rồi rút cạn.
3) Kỹ thuật gieo: gieo thưa, lượng hạt giống 3 kg/ha; trước khi gieo xử lý hạt giống bằng Polyram (3-5g/1kg hạt) hoặc Tricho ĐHCT (5g/1 kg hạt). Sạ lan cần trộn hạt giống với đất bột sạ cho đều, hoặc sạ hàng bằng công cụ sạ mè theo hàng.
4) Bón phân:
Lượng bón cho 1 ha: 90N:40P2O5:60K2O +200-300 kg hữu cơ vi sinh + 200-300 kg vôi;
Cách 1: lót phân hữu cơ + vôi + 150 kg NPK 20:20:15 + 25 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 50 kg NPK 20:20:15 + 100 kg Urê + 25 kg Kaliclorua/ha;
Cách 2: lót phân hữu cơ + vôi + 150 kg Supe lân + 50 kg NPK 20:20:15 + 75 kg Urê + 35 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày): 90 kg NPK 20:20:15 + 60 kg Urê + 30 kg Kaliclorua/ha;
Cách 3: lót phân hữu cơ + vôi + 50 kg DAP + 100 kg Urê + 50 kg Kaliclorua; Thúc (20-25 ngày):  40 kg DAP + 60 kg Urê + 50 kg Kaliclorua/ha.
5) Quản lý nước:
- Nguyên tắc đất đủ ẩm, không đọng nước sau mưa, sau tưới, có hệ thống thoát úng tốt, tranh thủ xuống giống khi đất còn ẩm;
- Các giai đọan cần nước của cây: nẩy mầm (sau gieo); bắt đầu ra hoa (20-25 ngày); đậu trái (30-35 ngày); trái chắc (40-50 ngày) và thời kỳ chín (60-65 ngày).
6) Tỉa thưa và dặm:
- Tỉa thưa: là kỹ thuật bắt buộc, giúp cây phát triển đồng đều, khỏe, phân cành mạnh. Tỉa sớm khi cây 12-14 ngày tuổi. Khoảng cách sau tỉa 25-30 cm. Nên sử dụng công cụ sạ hàng để giảm bớt công tỉa;
- Dặm mè: sau gieo từ 5-7 ngày, nếu diện tích mè chết 25%  nên sạ lại.
7) Quản lý sâu bệnh và cỏ dại
-Các loại sâu thường gặp: sâu Sa (Acherontia lachesis), sâu ăn tạp  (Spodoptera litura), sâu Xanh da láng(Spodoptera exigua), Câu cấu đen, bọ Rầy (Anomala spp)v.v.
Phòng trừ: áp dụng biện pháp phòng trừ IPM, sử dụng luân phiên các loại thuốc; một số thuốc áp dụng như Lannate 40 SP; ABT 2WC, Sumi Alpha 5 EC; Cyper 25 EC; Fastac 5 EC Oncol 20 EC; Nurelle D 25/2.5 EC và Ofunack 40 EC, v.v.
-Các loại bệnh thường gặp: bệnh héo cây con (lở cổ rễ, chết nhát)  (Rhizoctonia sp.; Pythium sp. Fusariumsp), bệnh héo xanh (Ralstonia Solana - cearum), bệnh héo vàng (Fusarium oxysporium).  
Phòng trị: xử lý hạt giống bằng Polyram, Tricho ĐHCT; phun ngừa bằng Tricho ĐHCT, một số loại thuốc như Ridomil, Gold 68 WG; Mataxyl 500 WP, Aliette 800 WG v.v;  Không tủ đất bằng rơm rạ từ lúa nhiễm bệnh;
- Cỏ dại trên ruộng mè: sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Dual, Dual gold, thuốc hậu nẩy mầm như  Onecide, trên ruộng có nhiều lúa rày, cỏ gạo, đuôi phụng, sử dụng Gallant, Tagar super,  Whip-S khi mè từ 14 – 18 tuổi.
8) Thu hoạch và bảo quản: khi lá chuyển màu xanh vàng, vàng, trái gốc chuyển vàng và bắt đầu nứt, cắt cây khi trời khô ráo, ủ, phơi và ra hạt bằng máy tuốt lúa. Bảo quản hạt giống: phơi thật khô, bao gói kín, để nơi khô ráo.
4. Điển hình đã áp dụng thành công
- Tại Long An, ở huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, trên các chân đất xám, bạc màu, nguồn nước tưới hạn chế, giống mè ĐH-1 đã được trồng với diện tích hàng năm 800 ha (50-70% diện tích mè của tỉnh). Năng suất đạt trung bình 1.200 kg/ha, riêng Tân Hưng nhiều hộ đã đạt 1.300-1.500 kg/ha (năng suất mè trung bình của Long An năm 2009 là 550 kg/ha, năm 2011 là 660 kg/ha).
- Tại An Giang trên chân đất thịt, phù sa thuộc huyện Châu Phú, Chợ Mới, mè ĐH-1 trồng trong vụ XH sau lúa ĐX, năng suất trung bình đạt 1.650 kg/ha, nhiều hộ đạt 2.000 kg/ha (năng suất trung bình trong tỉnh là 1.250 kg/ha). Tại huyện Tri Tôn, mè ĐH-1 trồng ở các xã Ô Lâm, Lương An Trà, An Tức, trên đất cát pha, bạc màu, ruộng trên và ruộng trên có bưng, thiếu nước tưới, năng suất đạt 900-1.250 kg/ha. Hiện nay UBND huyện Tri Tôn đang thực hiện dự án phát triển Nông thôn miền núi do Bộ KHCN quản lý về “phát triển mô hình canh tác cây mè đen ĐH-1 tại Tri Tôn” .
- Tại các tỉnh lân cận Long An, An Giang thuộc khu vực ĐBSCL, như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, mè đen ĐH-1 cũng được nông dân trồng khá nhiều. Theo thông tin từ các vệ tinh là nông dân sản xuất và kinh doanh giống, hàng năng có khoảng từ 2000 ha giống mè đen ĐH-1 được gieo trồng trong khu vực ĐBSCL với năng suất trung bình đạt 1.250-1.500 kg/ha (tổng diện tích mè ĐBSCL khoảng 10.000 ha, năng suất bình quân 900 kg/ha).  
- Tại khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai mè đen ĐH-1 cũng được nông dân thử nghiệm với diện tích ngày một tăng, ước tính năm 2012 có khoảng gần 1.500 ha, cho năng suất vượt trội hơn giống mè địa phương.
- Tại Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, mè đen ĐH-1 cũng được thử nghiệm và cho năng suất tối thiểu đạt 1.000 kg/ha.
5. Địa chỉ liên hệ
Phạm Thị Phương Lan, Viện KHKTNN miền Nam, 121 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1. TP. Hồ Chí Minh;
Mobile: 016 999 86927;